Nước đọng trong ống tai có thể gây nhiễm trùng và tổn thương đến tai. Tuy nhiên, một trong những cách phổ biến nhất mà con người dùng để loại bỏ chúng cũng gây nguy hiểm không kém.

Một nghiên cứu tại Đại học Cornell và Viện Kỹ thuật Virginia đã khẳng định việc lắc đầu để loại bỏ nước trong tai có thể gây tổn thương não bộ ở trẻ nhỏ.

Theo nhà nghiên cứu Anuj Baskota, công trình chủ yếu tập trung nghiên cứu mức gia tốc cần thiết để đẩy được nước ra ngoài ống tai. Mức gia tốc mà nhóm nghiên cứu đạt được qua thí nghiệm trên ống thủy tinh và mẫu ống tai in 3D lớn hơn gấp 10 lần trọng lực tác động trên ống mô phỏng tai của trẻ sơ sinh và dẫn đến nguy cơ cao gây tổn thương não bộ.

Với người lớn, gia tốc này ở mức thấp hơn do đường kính ống tai lớn hơn. Mỗi lượng nước có tổng thể tích và vị trí khác nhau trong ống tai sẽ cần một gia tốc khác nhau để loại bỏ được ra ngoài.

Hình minh họa. Nguồn: Anuj Baskota, Seungho Kim, Sunghwan Jung.

Dựa trên kết quả thí nghiệm và mô hình lý thuyết, các nhà khoa học phát hiện áp lực bề mặt của chất lỏng là một trong những yếu tố khiến nước bị tắc lại trong ống tai. Song việc lắc đầu không phải cách xử lý duy nhất.

Thay vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng nên nhỏ một vài giọt chất lỏng có áp lực bề mặt nhỏ hơn nước, chẳng hạn như dấm hoặc cồn vào tai. Chúng sẽ giúp giảm lực ép lên bề mặt tai và khiến nước chảy ra ngoài.

Sắp tới, nhóm bốn nhà nghiên cứu Anuj Baskota, Seungho Kim, Hosung Kang, và Sunghwan Jung sẽ trình bày phát hiện của mình tại phiên họp thường niên lần thứ 72 của Phân ban Nghiên cứu Động lực học Chất lỏng thuộc Hiệp hội Vật lý Mỹ tổ chức tại Seattle.

Nguồn: https://phys.org/news/2019-11-ears-brain-physicists.html